Cú đá “sấm sét” của một cao thủ giang hồ khiến Chà Và Hương gục tại chỗ. Kể từ khi ấy, Chà Và Hương ra sức luyện tập mong sớm ngày phục thù đối thủ.
 
Kỳ 2: Hai cú đá ghi dấu cuộc đời
Cú đá “sấm sét” của một cao thủ giang hồ khiến Chà Và Hương gục tại chỗ. Kể từ khi ấy, Chà Và Hương ra sức luyện tập mong sớm ngày phục thù đối thủ. Nhưng đến thời điểm quyết định, chính ông cũng không thực hiện được cú đá mà mình luyện tập gian khổ bao năm. Trong khoảnh khắc ấy, Hương dứt tình với sư môn, trở về với con đường lang bạt.
Đối đầu cao thủ
Sau khi theo người anh trai về học chữ, Hương ở con hẻm gần chùa Long tự. Ban ngày được anh trai chỉ bảo học chữ nhưng Hương một chữ cắn đôi cũng không biết. Hương biết rằng trong đầu mình chỉ có niềm đam mê võ học và cái duyên ấy đeo đẳng Hương trong những sự vụ hy hữu. Mỗi đêm nhìn qua nhà hàng xóm, Hương thấy một cặp nam nữ dợt võ nhìn mà đắm đuối không thôi. Sáng ra, Hương qua nhà hỏi mới biết đó là con của thầy Lê Quang Đại là Lê Lu-i và Lê Li-a.
Hương ngỏ ý muốn nhờ thầy Đại dạy, thì ông từ chối và kêu rằng không biết con mình học được ở đâu. Nhưng trong thâm tâm Hương lại nghĩ rằng thầy đang giấu mình. Thấy con thầy đắp đất để dựng chòi, Hương cũng xúm vào đắp phụ suốt mấy ngày liền. Thấy vậy, thầy Đại mới nói: “Tao nói rồi… tao không biết gì hết mà mày bắt tao dạy. Tại mày bắt buộc tao dạy mày thì tao dạy”. Vậy là Hương bắt đầu học thầy Đại, lấy tên là Lê Phi Hoàng. Nhưng trong một thời gian dài, thầy Đại chỉ dạy cho Hương cách đứng tấn và đắp đất rèn luyện cơ thể dẻo dai.
Lúc ấy, Hương đang tuổi lớn nên thường đi chơi đây đó giao du. Có lần Hương tới Đông Tây học đường (quận 1), có cô gái thấy Hương điển trai thì tiếp cận bắt chuyện. Bỗng một thanh niên lực lưỡng đứng trên lầu cầm cái cốc ném xuống vị trí của Hương, chẳng may cốc không trúng Hương mà trúng phải vai người con gái.
Nổi máu anh hùng, Hương kêu “mày làm gì đó mày”. Người thanh niên đáp: “Mày mà cũng biết nói tiếng Việt hả mày?”. Hương bực mình kêu: “Mày xuống đây rồi biết”. Người thanh niên bước xuống thì Hương rút dao đưa cho bạn của mình giữ mà rằng: “Để tôi đánh tay đôi với nó”. Vào tiếp chiêu, Hương lập tức tấn công, ai ngờ khi vừa lao tới thì bị ngay đòn quét trụ của thanh niên nọ, rồi ngay lập tức chàng thanh niên tung luôn cú đá khiến Hương gục tại chỗ.
Sau đó không lâu, Hương mới biết đó là võ sĩ lừng danh Nguyễn Văn Tính, một giang hồ quận 1, là môn đồ của phái Thiếu lâm nội quyền Tây Sơn Nhạn. Vào thời điểm ấy, môn phái Tây Sơn Nhạn nổi danh với bộ tứ có tiếng giang hồ, nhất Hổ (Lý Sơn Phi Hổ), nhì Miên (Nguyễn Văn Miên), tam Trừ (Ngô Văn Trừ), tứ Tính (Nguyễn Văn Tính). Sau này với ý nghĩ phục thù, Hương đã tầm sư học nghề rất nhiều trong đó có võ sĩ Nguyễn Văn Miên. Võ sĩ Miên bày cho Hương cách để khắc chế đòn đá Bình Xa Lạc Nhạn của võ sĩ Tính từng hạ gục Hương.

Võ sư Chà Và Hương thời còn trẻ.
Cũng sau lần ấy, Hương quay về với thầy Đại rồi bảo với thầy “bấy lâu nay thầy chỉ dạy con đứng tấn, nay thầy cũng nên cho con học đòn thế khác”. Từ đấy, thầy Đại mới chỉ cho Hương biết âm dương chảo, triển khai đòn thế. Nhờ tay chân lanh lẹ, lại cộng thêm sự lì lợm nên chỉ một thời gian, Hương tham gia đấu đài, đánh đâu thắng đó. Thầy Đại chỉ nếu cứ thấy đối thủ vung chân đá là áp sát vào tung chỏ. Chỉ có mỗi đòn ấy mà Hương hạ gục bao nhiêu người.
Hương bồi hồi: “Nhớ có lần tôi gặp võ sĩ Thành Đô ở Tân Hiệp, Rạch Giá, hiệp thứ nhất tôi đá vào cằm võ sĩ này một cái thì tôi bị phản đòn bể chân mày, máu tuôn xối xả. Dứt hiệp một, đến hiệp thứ hai tôi gần như điên, lao vào đánh bằng hai cùi chỏ đến nỗi đối thủ phải bỏ chạy, lột găng xin thua. Lúc này anh Nguyễn Hữu Thọ, người được xem là đấu thủ lừng danh thời ấy từng hạ gục đối thủ người Thái Lan bước lên đài hỏi võ sĩ Thành Đô “máu nó ra nhiều, nó sắp gục sao mày lại bỏ”, Thành Đô đáp: “Nó đánh tôi không thấy gì hết ráo””.
Khí thế sục sôi của những trận thắng liên tiếp khiến Hương như gã khát máu trên sàn đấu. Thời ấy đấu thủ khắp miền Tây hầu như ai gặp Hương cũng nể sợ. Chỉ duy võ sĩ Nguyễn Thành Thủy là đánh ngang cơ với Hương. Thời đó, Nguyễn Thành Thủy cũng là một chàng trai giang hồ, sống lang thang nên Phi Hoàng đem võ sĩ này về Sài Gòn chung sống, hai người kết nghĩa anh em rồi cùng nhau trao đổi võ nghệ.
Nhắc về cú đá hiểm ngày nào, Hương cười nói: “Một thời gian sau, có lần tôi chủ đích chờ võ sĩ Tính vừa biểu diễn xong, thì tới thách đấu. Lúc ấy, võ sĩ Tính ôm lấy tôi rồi cười bảo: “Tao biết mày rồi, tao đánh không lại mày đâu””.
Từ biệt sư môn
Học trò của võ sư Lê Quang Đại có Hương là nổi tiếng lúc bấy giờ. Về sau, Lê Phi Líp tên thật là Lê Thành Nhân là học trò của Lưu Hoàng Phát qua đầu quân cho thầy Lê Quang Đại. Hương bảo: “Phi Líp với võ sĩ Minh Sang là chung một lò, nhưng Phi Líp luôn nghĩ thầy thương Minh Sang hơn. Vì vậy, Phi Líp mới đầu quân cho thầy Lê Quang Đại. Được một thời gian Phi Líp thách đấu Minh Sang để thể hiện bản thân với thầy cũ”.
Ngoài Hương, thì Lê Phi Líp cũng là một cao thủ thời bấy giờ. Nhưng sư mẫu (vợ võ sư Lê Quang Đại) thương và rất thích đòn đá của Hương. Trận đấu ở Thị Nghè gặp Mã Anh Kiệt, Hương được sư mẫu kỳ vọng với đòn đá sấm sét hạ gục đối thủ. Nhưng trước khi lên đấu đài, Hương bị công an bắt, xiềng ở Hàng Kao mấy chục ngày nên chân tay yếu đi nhiều. Bình thường lúc tập, Hương đá chiếc bao cát văng lên xà là chuyện bình thường, sức ấy dễ chỉ một đòn là hạ gục đối thủ. Nhưng giờ đây ông không còn đủ sức để sử dụng chúng.
Hết hiệp một, Hương bị Mã Anh Kiệt đánh đổ máu. Đến đầu hiệp hai, sư mẫu bực mình chạy lên phía sàn đấu kêu với Hương rằng: “Từ giờ phút này, mày đá cho tao coi. Nếu không đá thì mày đừng có về”. Vào hiệp đấu, Mã Anh Kiệt thấy Hương đã đuối sức liền bay vào với cú quyết định tung gối hạ gục Hương thì cũng là lúc thời cơ kết thúc trận đấu đã tới. Biết đối thủ có đòn gối sở trường, Hương liền tung chỏ giật xuống ngay đầu gối của Mã Anh Kiệt, tay kia liền lập tức chỏ thêm một cái ngay mặt Mã Anh Kiệt.
Hai cú đòn định mệnh khiến Mã Anh Kiệt ngất xỉu ngay trên vai của Hương. Trận đấu kết thúc mà không có đòn đá khiến sư mẫu buồn bực bỏ về trước. Khi ra đường lên xích lô để đi về, Lê Phi Líp chụp lấy Hương mà rằng: “Thôi anh đi luôn đi, chứ sư mẫu đang đứng chỗ cổng chùa cầm cây chổi đợi sư huynh”. Tự ái vì đấu sống chết mà bị giận vì không thực hiện được đòn đá, Hương bỏ đi, không về lại sư môn nữa.
Sau khi rời khỏi võ đường Lê Quang Đại, Hương lấy tên là Phi Hoàng. Vì đam mê với nghiệp võ, Phi Hoàng xin một lão nông cho ông mượn miếng đất ở Bình Thạnh hành nghề dạy võ. Các tên tuổi nổi tiếng sau này, lúc bấy giờ đến bái sư là Phi Long (Tạ Văn Hường), Phi Hổ (Lê Văn Hậu), Phi Hùng (Lâm Văn Phi), Phi Hải (Lê Văn Phước), Phi Nhạn, giới giang hồ sau này gọi là “ngũ hổ tướng”. Cùng với “ngũ hổ tướng” là nữ võ sĩ Cẩm Huê, Cẩm Hồng... đánh đấm khắp nơi.
Bái sư phụ người Tây phương
Trong thời gian giảng dạy võ nghệ, bảo kê quán xá, Hương nghe tin Kít Đăm Xây – 19 năm vô địch quyền Anh, về Việt Nam. Khi về nhà, mẹ Hương bảo: “Khi mày còn nhỏ từng được Kít Đăm Xây lúc ấy là lính Tây, ẵm, bồng trên tay”. Nghĩ đây là cơ duyên tiền định, Hương quyết định đến gặp Kít Đăm Xây để bái sư.
Next
Bài đăng Mới hơn
Previous
This is the last post.

Đăng nhận xét

 
Top